E-Commerce Là Gì? Các Loại Hình E-Commerce

Sự phát triển không ngừng của công nghệ đã góp phần giúp cho hoạt động kinh doanh cùng được đổi mới, ngày càng hiện đại và tiện lợi cho người mua sắm. Trong đó, có một mô hình kinh doanh hiện nay rất phổ biến và chiếm ưu thế lớn trên thị trường, đó là E-commerce. Vậy E-commerce là gì? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

E-commerce là gì?

E-commerce nghĩa là Thương mại điện tử, là hoạt động giao dịch hàng hóa và dịch vụ trên Internet. Mô hình này cho phép người bán là công ty, cá nhân thực hiện kinh doanh qua các mạng điện tử. Khách hàng truy cập trang web hoặc ứng dụng của sàn thương mại điện tử và thực hiện mua sắm sản phẩm. Sau khi nhận được đơn đặt hàng cùng đầy đủ thông tin cần thiết, bên bán sẽ vận chuyển hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ theo đơn. E-commerce giúp các công ty mới khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ hoặc các cá nhân có cơ hội tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới.

4 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam có thể kể đến là Shopee, Lazada, Tiki và Tik Tok Shop. Trong đó, Tik Tok Shop chỉ mới được ra mắt vào giữa năm 2021 nhưng có được nhiều tính năng nổi bật cùng sự ưa chuộng từ giới trẻ đã đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục.

Các loại hình E-commerce

E-commerce có nhiều hình thức khác nhau vì có rất nhiều cách khác nhau để mua sắm trên trang web. Một số loại hình E-commerce phổ biến có thể kể đến như:

  • B2C – Business To Consumer: Giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp tới người tiêu dùng cuối cùng.
  • B2B – Business To Business: Giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp. Ví dụ như giữa nhà sản xuất với người bán lẻ.
  • C2B – Consumer To Business: Người tiêu dùng tạo ra giá trị và bán chúng lại cho doanh nghiệp.
  • C2C – Consumer To Consumer: Người tiêu dùng bán cho người tiêu dùng khác. Các doanh nghiệp tạo ra thị trường trực tuyến kết nối người tiêu dùng.
  • B2G – Business To Government: Doanh nghiệp bán cho chính phủ hoặc cơ quan chính phủ. Đây là một dạng của B2B.
  • C2G – Consumer To Government: Người tiêu dùng bán cho chính phủ hoặc cơ quan chính phủ.
  • G2B – Government To Business: Chính phủ hoặc cơ quan chính phủ bán cho doanh nghiệp với mục đích cung cấp thông tin và tư vấn doanh nghiệp.
  • G2C – Government To Citizen: Chính phủ hoặc cơ quan chính phủ bán cho người tiêu dùng. Đây cũng là sự truyền thông giữa chính phủ với khu vực tư nhân hay công dân của mình.

Những lợi thế của E-commerce

Hiện nay, E-commerce được sử dụng rộng rãi đến thế bởi nó có nhiều lợi thế lớn. Sau đây là một số lợi ích hàng đầu khi doanh nghiệp, cá nhân dùng E-commerce:

  • Là xu hướng hiện nay, đang phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.
  • Phạm vi tiếp cận khách hàng tiềm năng trên toàn cầu.
  • Cung cấp sự tiện lợi cho khách hàng khi mua sắm bởi cách đặt hàng dễ dàng.
  • Tối ưu các chi phí vận hành.
  • Ngày càng nhiều hình thức thanh toán được áp dụng.
  • Tiết kiệm thời gian mua sắm cho khách hàng.
  • Nhờ vào trang web, các doanh nghiệp có thể cung cấp thêm cho khách hàng lượng thông tin bổ ích.
  • Không giới hạn thời gian mua sắm của khách hàng.

Những lưu ý về E-commerce

Dù là mô hình kinh doanh nào, được ưa chuộng đến đâu thì chúng cũng sẽ có một số hạn chế, E-commerce cũng thế. Sau đây là một số lưu ý về E-commerce dành cho doanh nghiệp, cá nhân.

Hạn chế tương tác với khách hàng

Đối với một số loại sản phẩm hay dịch vụ, sự tương tác trực tiếp giữa doanh nghiệp với khách hàng thực sự rất quan trọng vì nó giúp bạn hiểu rõ khách hàng cần gì, đồng thời bạn có thể chăm sóc khách hàng tốt hơn. Điều này có thể là thách thức đối với E-commerce.

Những khó khăn về mặt kỹ thuật

Khi thực hiện giao dịch mua bán thông qua Internet có thể xảy ra các sự cố như lỗi trang web, lỗi ổ cứng, trục trặc trong chuỗi cung ứng, thời gian giao hàng đến khách hàng bị trễ… Các doanh nghiệp, cá nhân phải đưa ra giải pháp nhanh chóng và có những biện pháp phòng ngừa. Ngoài ra, thường xuyên sao lưu dữ liệu cũng là một bước rất quan trọng mà các doanh nghiệp, cá nhân cần lưu ý.

Việc bảo mật dữ liệu

Khách hàng ngày càng cảnh giác về cách thông tin cá nhân của họ được lưu trữ và chia sẻ như thế nào. Muốn xây dựng lòng tin ở khách hàng, các doanh nghiệp, cá nhân phải có chính sách bảo mật an toàn và cung cấp chi tiết cho khách hàng. Như thế, khách hàng sẽ cảm thấy an tâm và doanh nghiệp của bạn cũng thể hiện được tính minh bạch, chuyên nghiệp.

Vấn đề vận chuyển quy mô lớn

Tìm hiểu quy định và quy trình vận chuyển của sàn thương mại điện tử bạn sử dụng hoặc tìm cho mình một đơn vị vận chuyển uy tín. Một khi hoạt động kinh doanh của bạn phát triển, việc vận chuyển hàng hóa đến khách hàng sẽ có nhiều vấn đề phát sinh hơn. Hãy đảm bảo rằng quy trình vận chuyển của họ phù hợp và an toàn cho sản phẩm mà bạn đang kinh doanh.

Trên đây là bài viết về E-commerce là gì cùng các loại hình E-commerce, ưu điểm và những điều lưu ý khi bắt đầu áp dụng mô hình kinh doanh này. Hy vọng bài viết đem lại cho bạn nhiều thông tin bổ ích mà bạn đang tìm kiếm.